Translate

Tuesday 7 April 2015

“Ký sự” đạp xe vì cây xanh.


Thời bao cấp, cả nước đi xe đạp. Khi có cái xe máy, rồi ô tô, rồi máy bay, thì việc đi lại bằng xe đạp đa phần chỉ dành cho giải trí. Giờ nông dân đi làm đồng, cũng đi bằng xe máy.
Rồi người ta nếm mùi tắc đường. Hàng ngàn cái xe máy nhả khói đến ngạt thở. Khi đó, có cái xe đạp, luồn lách qua những khe hở lại thấy mình sáng suốt khi chọn xe đạp khi ra đường. Thế nên trừ phi vội, còn lại tôi bắt đầu chọn xe đạp làm phương tiện di chuyển. Dĩ nhiên, việc đạp xe chỉ phù hợp với những người có thời gian, hoặc dành cho những người muốn rèn luyện sức khỏe.
Lần đầu tiên đi xe đạp, chưa được nửa vòng hồ Tây đã thấy phờ râu trê. Đến khi đạp xe cùng nhóm, vừa đạp xe vừa chuyện trò, loáng cái đã hết vòng hồ. Sau tăng dần lên, thì 2 vòng quanh hồ Tây là chuyện vặt. Chỉ mỗi tội đường ven hồ dành cho cả ô tô 2 chiều, nên phải chọn giờ vắng, đạp mới an toàn!
Thế nên lộ trình vòng quanh hồ Tây của dân xe đạp tôi khá rành. “Quen từng cái ổ gà” ấy chứ. Lâu ngày không đạp xe, nên chủ nhật, ngày 5/4 vừa rồi, hưởng ứng cuộc đạp xe vì cây xanh ở Hà Nội, tôi thấy có nhiều bất thường. Đó là sự có mặt của rất nhiều công an, dân phòng. Nhiều lắm. Một vòng hồ Tây là 17 km. Vậy mà cứ chừng 100m là có một tốp ít nhất 2 người trở lên, đứng trên vỉa hè. Nhiều thì chừng chục người. Tính sơ sơ, số công an và dân phòng được bố trí quanh hồ Tây ít là 200 - 300, nhiều là 500 người. Đó mới chỉ tính quanh hồ Tây.

Chính quyền thì quen cấm vô điều kiện. Dân mình quen tuân thủ vô điều kiện. Vì theo lộ trình là chúng tôi đạp 1 vòng quanh hồ Tây, rồi tập kết tại nhà Bát Giác, sau tượng đài vua Lý Thái Tổ. Nhưng lộ trình của chúng tôi bị thay đổi, do có 2 đoạn là công an dựng hẳn xe máy ngang đường, căng dây chắn đường. Đoạn đổ dốc ở khách sạn Sheraton thì chặn hoàn toàn.Thế nên chúng tôi rẽ lên đường Yên Phụ, xuống đường Thanh Niên....
Đến ngã tư Lê Hồng Phong- Trần Phú, có lẽ một số bị lạc đoàn, nên chúng tôi chỉ còn chừng hơn 20 coureur (cua-rơ) bị chặn lại, bắt rẽ phải. Chúng tôi phải đi vòng, xuôi Trần Phú, Chu Văn An để ra đường Nguyễn Thái Học. Một lần nữa, trong dòng người xe đông đúng, công an lại chỉ chọn các cua-rơ xe đạp trong đoàn chúng tôi để chặn mới tài.
Không có một lý do nào được đưa ra, chỉ là không cho các cua-rơ đi theo dòng người đang lưu thông một cách bình thường trên phố. Nhưng vì người đi đường đông quá, nên họ chỉ giữ được 2 cua –rơ. Thấy người của mình bị giữ, cả đoàn chúng tôi hô nhau quay lại để giải cứu đồng đội. Thấy chúng tôi, các chiến sĩ công an lúc đó mới buông tay. Sau này chúng tôi thống nhất, nếu một người bị giữ, là tất cả phải dừng lại.
Đoàn tiếp tục bị chặn ở cuối Nguyễn Thái Học, ở Quang Trung. Tức mình, tất cả bèn xuống xe, dắt bộ trên vỉa hè. Nhưng đến phố Bà Triệu thì dắt xe cũng không đi tiếp được nữa. Khi chúng tôi cãi, chỉ các phương tiện giao thông khác vẫn đang tiếp tục đi thẳng, thì lúc đó họ chặn tất cả.
Thế là chỉ vì chừng gần 20 mống xe đạp, mà người ta dám huy động ngần ấy lực lượng công an dân phòng, thay đổi hẳn các lộ trình giao thông thường ngày của mọi người dân. Như tôi đã nói ở trên. Chính quyền thì quen cấm vô điều kiện. Còn người dân đa phần quen tuân thủ vô điều kiện. Cứ thấy chặn là rẽ, dù có chút ngơ ngác và bực dọc. Khi chúng tôi hỏi lý do chặn, họ (công an) luôn nói một câu quen thuộc : Đây là khu vực bảo vệ!
Hỏi bảo vệ cái gì? Nguy cơ từ cái gì thì không ai trả lời. Không có một thông báo bằng văn bản nào được đưa ra. Một người trong đoàn chúng tôi bực mình nói, đất nước này chỗ nào cũng cần bảo vệ khi cần, trừ Trường Sa và Hoàng Sa.
Khi tôi cáu kỉnh, bảo sao các anh cứ trả lời như robot thế, thì cậu công an trẻ ngồi trên xe cảnh sát chỉ im lặng một cách nhẫn nhục. Sau tôi lại thấy ân hận, vì đã cáu với cậu ấy khi nhận thấy thực ra, ít nhiều vẻ buồn khổ đằng sau sự im lặng đó. Không phải ai cũng trơ trẽn!
Tất cả chúng tôi dừng lại, chờ thông đường rồi mới đi, chứ không rẽ phải như họ định hướng. Một bạn trong đoàn hóm hỉnh: họ muốn chúng ta chỉ rẽ phải, chứ không muốn chúng ta rẽ trái !!! Hai xe công an được điều tới, đỗ chình ình dưới lòng đường để che chắn đội hình của chúng tôi. Một bác gái trong đoàn, mang theo một biểu ngữ 2 mặt. Mặt trước ghi dòng chữ: XỬ LÝ NGHIÊM NHỮNG KẺ ĐỨNG SAU VIỆC TÀN SÁT CÂY XANH .Mặt sau viết: TRUNG QUỐC CÚT KHỎI BIỂN ĐÔNG.
Tuy bác ấy giơ mặt trước ra , nhưng người đứng sau ai cũng nhìn thấy dòng chữ : TRUNG QUỐC CÚT KHỎI BIỂN ĐÔNG.

Cùng đứng đợi với chúng tôi, có 2 du khách nước ngoài. Họ biết việc chúng tôi làm, và tỏ ra đồng tình. Một du khách còn tình nguyện cầm lấy biểu ngữ của bác gái kia giơ lên. Anh ta đứng chỗ nào, xe công an lại di chuyển tới chỗ đó. Khi mọi người nhận ra ý đồ của chiếc xe, bảo anh ta thì vị du khách cao lớn này bèn giơ thật cao tấm biểu ngữ, làm tất cả chúng tôi cười ồ lên. Nghe nói ngay trong ngày hôm đó, công an tìm đến nơi anh ta đang ở. Trong phần tra hỏi, công an có khuyến cáo, nội dung của biểu ngữ là BẤT HỢP PHÁP!


Nếu vị du khách kia hỏi lại: thế có nghĩa là với chính quyền, thì việc chặt cây và việc Trung Quốc ở lại biển Đông là hợp pháp? Thì không biết công an trả lời thế nào cho vị du khách?
Thế là ai làm xấu mặt đất nước và con người Việt Nam?
Chỉ cần thế là đủ cho cả thiên hạ thấy, một phần sự thật đằng sau những tuyên bố đẹp đẽ của chính quyền, về việc sẽ xử lý nghiêm vụ CHẶT CÂY là gì. Chúng tôi chụp ảnh cả đoàn làm kỷ niệm trước khi chia tay, hẹn tuần sau cùng đồng hành tiếp. Không biết tuần tới có ai bỏ cuộc, vì bị thăm viếng tại gia không. Không biết nếu chúng tôi vẫn tiếp tục đạp xe các chủ nhật, thì việc ngăn chặn một cách lố bịch này còn diễn ra? Và chính quyền Hà Nội đã và sẽ chi bao nhiêu tiền thuế của dân, để làm việc này?
Có người ước tính riêng hôm 5/4, phải mất ít là 200 triệu, cao là 500 triệu tiền ngân sách cho vụ chặn đạp xe vì cây xanh.
Là người Việt Nam, các bạn nghĩ gì về con số này?

Chia tay và hẹn gặp lại tuần tới.
---------------

Sau khi tôi đăng bài này lên face book, mới biết 2 vị du khách này là 2 anh em ruột, người Đức. Và cô gái ngồi cạnh họ chính là vị hôn thê của anh chàng cầm khẩu hiệu. Họ không hề tình cờ có mặt, mà do cô vợ sắp cưới  biết có cuộc tuần hành vì cây xanh, nên đã cùng chồng chưa cưới và em chồng tham gia. Họ đứng chờ đoàn rất lâu ở hồ Tây,cũng bị lạc, rồi đuổi kịp đoàn chúng tôi khi chúng tôi bị chặn ở ngã tư Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Cô gái người Việt này tỏ ra không hề sợ hãi, và bày tỏ quan điểm là không thể chấp nhận được vụ chặn đường này. Cảm ơn 3 bạn trẻ rất nhiều.


4 comments:

  1. │ 200 triệu đến 500 triệu so với mấy chục tỷ chi phí cho sự cắt tỉa, chặt hạ cây xanh có sao đâu? Thương các anh CA bỗng thành những nạn nhân của trò móc túi tinh vi! Sắp tới, kiến nghị phải bổ sung thêm Điều 289 Bộ Luật Hình sự: "Tội lợi dụng chức quyền, chủ trương thiếu đúng đắn, xâm phạm quyền lợi của Nhân dân, quyền, lợi ích hợp pháp của xã hội, Nhà nước".

    Khung hình phạt bao gồm nghiêm chỉnh phê bình và khiển trách, nghiêm khắc họp kiểm điểm, tự rút kinh nghiệm hoặc kỷ luật. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì cảnh cáo, thu hồi thẻ đảng. Phải xử lý nghiêm túc như vậy mới đủ sức răn đe!

    ReplyDelete
  2. Đây là một trong những cách để bảo vệ môi trường, mình rất ủng hộ!
    Huyền Thanh – Marketing
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Bảng giá quay phim phóng sự cưới
    • Hoặc Bang gia quay phim phong su cuoi

    ReplyDelete
  3. Cần lắm những việc làm như thế này!
    Thùy Lan – Thư kí
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Các mẫu trang trí bàn Tiệc Cưới đẹp
    • Hoặc Cac mau trang tri ban tiec cuoi dep

    ReplyDelete
  4. Việc làm của nhóm rất ý nghĩa!
    Thùy Lan – Thư kí
    -------------------------------------------------------------------
    • Xem chi tiết về Các mẫu trang trí bàn Tiệc Cưới đẹp
    • Hoặc Cac mau trang tri ban tiec cuoi dep

    ReplyDelete