Translate

Saturday 2 July 2016

Quê hương này không để bán

Bài của nhạc sĩ Tuấn Khanh
Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa.
Chưa ai kịp có ý kiến, chưa ai kịp nói những khúc mắc trong lòng mình thì vài tiếng đồng hồ sau, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vội vàng ra lệnh lên kế hoạch để sử dụng 500 triệu USD bồi thường. Mọi thứ bị đặt vào bối cảnh như chuyện đã rồi. Số phận con người Việt Nam, biển quê hương Việt Nam cứ như việc đã rồi.
Chưa hề có cuộc điều tra nào thật sự cho biết mức tổn hại của 250km bờ biển Việt Nam bị hủy hoại, nguy hiểm tồn đọng thế nào. Hơn một triệu người phải từ bỏ cuộc sống ổn định của mình, chuyển đổi sang nghề nghiệp khác mong sống sót, rồi sẽ phải bù đắp ra sao, và bao lâu? Lịch sử ngàn năm của một quốc gia sống với biển, thịnh vượng với biển, nay phải đành gầm mặt lìa bỏ mọi thứ. Thậm chí ghê sợ hơn, là phải bỏ trống, đành buông cả một vùng quê hương mà Trung Quốc đang ngày đêm háo hức lấn chiếm. 500 triệu USD đó, có nghĩa lý gì?
Vậy câu hỏi ở đây là, những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy? Những lời xin lỗi và con số khoán vội ấy, chắc vẫn chưa kịp tính vào 84 ngày người dân cả nước sôi sục đòi minh bạch, bị công an, thanh niên xung phong, trật tự đô thị…  đánh đập, giam cầm, kết tội theo lệnh trên vì cho là bị “xúi giục”. Ba tháng mà Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nói rằng ông “nặng trĩu”, liệu có giải quyết được những lời nói dối thô bỉ của các cấp chính quyền đã lừa gạt nhân dân về việc biển sạch và cá an toàn?
Hàng loạt ngôn luận lừa dối nhân dân như của Phó chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn hay của thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân vẫn còn đó. Ai sẽ từ chức vì lòng tự trọng hay bị cách chức vì danh dự của đảng mà họ đang phục vụ? Nếu họ vẫn tiếp tục tại vị và phát ngôn, thì mọi điều lừa dối trơ tráo ấy, là chủ trương lớn của ai?
Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ. Đại nghiệp Formasa Hà Tĩnh lại cứ như trẻ nhỏ, đáng thương đến mức chính phủ Việt Nam phải đứng sau lưng, dùng phương thức cấu bám vào lòng thương người của dân tộc Việt Nam, cố dàn xếp một thảm họa. Biết tả làm sao nhỉ? Giờ đây, những người Việt bị đẩy đến khốn cùng ấy, lại phải vuốt thẳng áo rách, bị thúc đứng lên, cố mỉm cười nhân ái đến kiệt sức trên quê hương mình.
Có lẽ trong tư duy của những người lãnh đạo hiện nay, tiền là giải pháp quan trọng nhất, có thể đổi được mọi thứ. Việc đổi tương lai của người Việt bằng tiền, qua kịch bản giải quyết khủng hoảng cho Formosa, lại gợi nhớ rất nhiều về chuyện người dân bị chết nơi đồn công an, bị đánh đập vô cớ, bị nhổ vào mặt, luôn được giải quyết đơn giản bằng nụ cười thành khẩn đểu giả của kẻ gây tội, và một số tiền.
Mạng người hay số phận một quốc gia đâu thể đổi bằng tiền như suy nghĩ của những kẻ quen thói phủi tay. Tiền chỉ là đáp án của những kẻ trọc phú, lừa lọc, toa rập muốn xóa nhanh sự kiện. Việt Nam là một dân tộc có lòng tự trọng và có quốc pháp. Phương thức chọn đáp án nhanh, quy đổi đơn giản bằng tiền chính là một cách gây tổn thương cho lòng tự trọng của người Việt và sỉ nhục quốc pháp. Hãy nhớ, quê hương và tương lai dân tộc không bao giờ có thể để bị mặc cả bằng tiền!
Ông Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói phải phải mất đến 84 ngày “đấu tranh” mới có kết quả về nguyên nhân của thảm họa. Cám ơn ông đã gợi ý: Ai trong đất nước này là loại thế lực khiến một chính phủ phải “đấu tranh” đến suốt 84 ngày? Hóa ra, có một thủ phạm nào đó, rất ghê gớm mà chính phủ phải mất đến gần 3 tháng để vượt qua. Hôm nay Formosa Hà Tĩnh đã thú nhận và cúi đầu, thì sao thủ phạm im lặng ấy, lại vẫn nấp trong bóng tối sau cuộc “đấu tranh”?
84 ngày thật mệt mỏi của Chính phủ, nhưng rồi cũng chỉ nhằm góp chung kết quả của những người dân Việt Nam bình thường đi tìm một sự thật, về một tia sáng của công lý. 84 ngày ấy, của hàng chục triệu người Việt mất ăn mất ngủ, lo toan cho số phận của mình, của biển, của cá, của quê hương. Rất nhiều người trong đó có cả câu trả lời nhanh hơn một hệ thống có hàng chục ngàn nhà khoa học, có hàng ngàn công an, dùi cui và hàng rào kẽm gai nhưng tê liệt trước thực tế.
Những câu hỏi đặt ra trong bài viết này về cuộc họp báo, có lẽ cũng không cần lời đáp, vì ai ai cũng đã hiểu. Mọi thứ đã thành một thông điệp im lặng chuyển vào dòng máu nóng thức tỉnh của mỗi đứa con da vàng trên đất nước này.
84 ngày để có kết quả của Chính phủ – chỉ xin nhắc thêm rằng đừng quên số phận những người thợ lặn bị nhiễm độc ở Vũng Áng đã chết và đang bệnh tật. Đừng quên 155 trẻ em Đông Yên vì bị chính quyền dành đất cho Formosa mà phải thất học suốt 2 năm, bên cạnh sự đe nẹt của công an. Đừng quên hàng trăm những đoàn viên thanh niên Cộng sản ngây thơ tin theo mệnh lệnh lừa dối của cấp trên để cùng nhau tắm biển vui đùa làm thí điểm. Đừng quên hàng trăm công chức, dân chúng cả tin hưởng ứng ăn cá để giúp chính quyền xóa một sự thật rằng họ và những người khác sẽ không có một tương lai.
Cũng đừng quên những con người âm thầm trong 84 ngày đó, cật lực đưa tin, ghi hình, chuyển cảnh báo đến cho người dân được biết về thảm họa. Họ dấn thân không vì tiền, cũng không vì bị xúi giục, bất chấp cả những nguy nan từ phía chính quyền để đưa bằng được sự thật đến cuộc sống. Như chiến binh Pheidippides chạy đến thành Arena để báo tin về cuộc chiến Marathon phải vượt qua rất nhiều gian truân. Còn những con người Việt Nam nhỏ nhoi ấy thì phải vượt qua mọi thứ rình rập, thậm chí là mọi loại ngôn luận từ những kẻ thù của công lý và sự thật, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, để đốt lên những ngọn đuốc giữa đêm đen.
Có một thông điệp đánh kính trọng và cao cả được đưa đến từ những con người vô danh ấy. Hãy lắng nghe từ dòng máu và nhịp tim Việt Nam đó, thông điệp được gửi đi như sấm động:
Quê hương này không để bán.
 Nguồn:



Friday 1 July 2016

PHÉP NƯỚC VIỆT NAM KHÔNG THỂ MUA BẰNG TIỀN

Bài của nhà văn Hoàng Quốc Hải
Qua diễn biến cuộc họp báo của Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ 17 giờ ngày 30 tháng 6 năm 2016, tôi thấy:
Các Bộ ,Ngành có liên đới làm việc cật lực trong gần 3 tháng, đã cho ra kết quả như ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo tóm tắt.
Riêng thông tin này được công bố đã khiến dân chúng cả nước tạm yên lòng.
Nhưng theo tôi, các Bộ, Ngành chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng đây là sự việc nghiêm trọng, phải tìm đầy đủ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo pháp luật của Nhà nước.
Ở đây có nhiều vấn đề mà các ngành chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng,tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa triệt để. Trước hết là Bộ tài nguyên môi trường. Tôi chưa hề thấy có đánh giá một cách tương đối chi tiết về các tác hại trước mắt, tác hại lâu dài, tác hại tiềm ẩn do việc hủy diệt môi trường từ Formosa gây ra. Cũng như cảnh báo các chất độc do nó gây ra tác hại đến môi sinh ra sao, và cách phòng tránh khi nó nhiễm vào nguồn nước, vào các sinh vật biển cũng như vào các nguồn thực phẩm có xuất xứ từ vùng biển bị nhiễm độc. (Tất nhiên việc này phải phối hợp với Bộ Y tế ). Và nữa việc tẩy rửa môi trường. Việc thu lượm các trầm tích như kim loại nặng độc hại kết tụ ở tầng đáy. Việc phục hồi các loài rong, tảo, san hô v. v… và cho cả môi trường sinh thái biển miền Trung sẽ theo lộ trình nào, và thời gian bao lâu.Bộ trưởng TNMT nói: “ Chúng tôi dựa trên nhiều yếu tố như thiệt hại trực tiếp của người dân, thiệt hại về môi trường, về du lịch…”. Vậy những thiệt hại mà ông Bộ trưởng dựa vào đó, chắc chắn đã có phân tích và thống kê. Xin ông công bố. Nếu chưa thống kê, phân tích mà ông phát ngôn như vậy, thì chưa thuyết phục.
Về hệ sinh thái, ông Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói: “ Về hệ sinh thái của biển và rừng ngập mặn không có vấn đề gì, tuy nhiên san hô bị ảnh hưởng 400 ha”.
Tôi nghi ngờ kết luận này. Những gì phơi ra trên mặt nước và tầng đáy của vùng biển Vũng Áng Hà Tĩnh và kéo dài tới Thừa Thiên- Huế hơn 200km, mọi sinh vật đều bị hủy diệt. Cho tới nay trên các bãi biển bị nhiễm độc, khó tìm được một con còng gió, con dã tràng.Vậy mà lại nói hệ sinh thái của biển…không có vấn đề gì.
Nước ta có tới 3260 km bờ biển, chứ không phải chỉ có hơn 200km bờ biển thuộc 4 tỉnh miền Trung . Và biển cùng thềm lục địa có diện tích gấp gần 4 lần diện tích đất liền, nó mới chính là không gian sinh tồn cho cả dân tộc từ nay về sau. Biển không chỉ có tôm cá, mà còn nhiều loài sinh vật quí hiếm khác,nhất là tài nguyên khoáng sản đã làm mờ mắt kẻ xâm lược biển, đảo của ta.
Môi trường là sự sống của con người.Hủy hoại môi trường là hủy hoại sự sống.Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi công dân.Nhân sự cố Formosa,Nhà nước nên có kế hoạch giáo dục toàn dân về ý thức bảo vệ môi trường,đồng thời kiện toàn cho chặt chẽ Luật môi trường.Bởi chỉ có Luật mới có khả năng chế tài, và Luật mới là công cụ giám sát có hiệu lực các cơ sở sản xuất trên lãnh thổ nước ta.
Về số tiền 500 triệu USD do Formosa đề nghị, ông Bộ trưởng TNMT nói: “ Con số đáp ứng được phần lớn mục đích yêu cầu chúng ta đặt ra”.
Kết luận này có vẻ chung chung quá.Những mục tiêu đề ra là những mục tiêu nào? Có phải 500 triệu USD này là tiền Chính phủ phạt Formosa vi phạm nghiêm trọng Luật môi trường của VN. Hoặc đó là tiền bồi thường thiệt hại trước mắt cho ngư dân và các ngành có liên quan, nhờ Chính phủ chi trả thì cũng có lý. Còn nói là tiền bồi thường để phục hồi sinh thái biển miền Trung ,và khắc phục những hệ lụy lâu dài và toàn diện do Formosa gây ra, thì đó là sự nhạo báng cả dân tộc này.
Còn ông Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Chung sáng 28.6.2016 tuyên bố tại Quảng Trị là: “Sẽ gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về thảm họa môi trường tháng 4 vừa qua.”
Tôi không hiểu ông Bộ trưởng nói đến đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lao động là nghề gì. Tôi hy vọng vẫn là nghề cá.Vì chỉ có nghề cá mới phù hợp với ngư dân.Và như vậy thì sắp tới sẽ trang bị tầu vỏ thép, công suất lớn cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, tạm nghỉ khai thác ngư trường gần bờ vì nhiễm độc.Thật vậy, muốn đánh bắt xa bờ phải có tầu vỏ thép công suất lớn, trang thiết bị hiện đại.Vì vậy Bộ LĐTBXH nói đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lao động 4 tỉnh miền Trung là có lý. Ngư dân ngoài đánh bắt cá,còn giữ ngư trường. Giữ ngư trường cũng tức là giữ biển,đảo;góp phần giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ,lãnh hải cho Tổ quốc.
Tôi hy vọng qua việc đào tạo nghề cho cả triệu ngư dân miền Trung của Bộ LĐTBXH, sắp tới sẽ có hàng ngàn tầu vỏ thép lưới rê như chiếc tầu vừa hạ thủy của ngư dân Lưu Văn Truyền xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Và đây cũng là chiếc tầu vỏ thép đầu tiên của ngành cá Hà Tĩnh, tổng chi phí cho việc đóng tầu và ngư cụ chỉ có 13 tỉ Việt Nam đồng. Như vậy vừa tăng cường sản lượng cá cho 4 tỉnh miền Trung, vừa đảm bảo trên mặt biển của nước ta, luôn có người của ta canh giữ.
Còn như đào tạo cho hơn 1 triệu lao động đó chuyển nghề và bỏ biển, thì đây lại là một thảm họa khôn lường. Nó tựa như việc ta tự dâng biển đảo của ta cho giặc vậy.
Với Bộ Công an, tôi nghĩ Bộ ta đang vào cuộc, đang hoàn thiện hồ sơ khởi tố hình sự vụ án nghiêm trọng này, về tội ác hủy diệt môi trường gây nên thảm họa cho các sinh vật biển kéo dài hơn 200km và ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống và tinh thần của hàng triệu người dân khắp 4 tỉnh miền Trung.
Tội ác hủy diệt môi trường do Formosa gây ra, với những nguy hiểm tiềm ẩn lâu dài không chỉ về kinh tế, mà còn cả cho giống nòi, lớn tới mức ta chưa hình dung nổi. Rất mong các nhà khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn có lương tâm, và có trình độ hãy bĩnh tĩnh hợp tác nghiên cứu sâu hơn,toần diện hơn để khi đưa ra các giải pháp khắc phục thảm họa môi trường này có hiệu quả. Bởi đây không chỉ là cá mà là người.
Tôi không nghĩ 500 triệu USD mà mua được nền pháp trị Việt Nam. Bởi tất cả các thực thể tồn tại trên lãnh thổ VN đều bị điều chỉnh bởi pháp luật VN.
Lại một lần nữa Formosa ngạo mạn ,và họ đang báng bổ dân tộc ta một cách hoàn chỉnh, nếu như họ mua được pháp luật Việt Nam bằng tiền!
Thật ra ngành công nghiệp luyện thép và bô xít thuộc về loại công nhiệp bẩn, khó có thể len chân được vào các nước phát triển.Ngay các nước nghèo ở Châu Phi họ cũng không chứa chấp.Và mới đây Thủ tướng cũng chỉ đạo,chúng ta cần đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá.Và cần đầu tư nước ngoài,nhưng không vì thế mà từ bỏ môi trường.
Cho nên hành động của Formosa phải xem là tội phạm môi trường, cần phải truy tố để giữ nghiêm pháp luật của một nước có chủ quyền.
Hà Nội 1.7.2016 

ẢNh: Nhà văn Hoàng Quốc Hải - áo trắng cộc tay trong một lần đến với biển.
Ông là nhà tiểu thuyết lịch sử, đã xuất bản các bộ tiểu thuyết nổi tiếng: Bảo táp Triều Trần, Tám đời vua Lý, Kẻ sĩ với Thời cuộc (tiểu luận)